Trung Quốc: Đóng cửa các lò thép ô nhiễm, ‘đổ’ sắt phế liệu qua các nước khác

Trang Nikkei Asian Review ngày 1.12 đưa tin Trung Quốc đem sắt phế liệu đổ qua các nước châu Á, kết quả của việc Bắc Kinh đang siết chặt lệnh cấm sản xuất thép kém chất lượng từ sắt phế liệu nung chảy.

01/12/2017

Trung Quốc: Đóng cửa các lò thép ô nhiễm, ‘đổ’ sắt phế liệu qua các nước khác

Trang Nikkei Asian Review ngày 1.12 đưa tin Trung Quốc đem sắt phế liệu đổ qua các nước châu Á, kết quả của việc Bắc Kinh đang siết chặt lệnh cấm sản xuất thép kém chất lượng từ sắt phế liệu nung chảy.

Ở Trung Quốc có chiến dịch đóng cửa những lò luyện thép không đạt các tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường, tạo ra 68 triệu tấn sắt phế liệu, khiến nước này trở thành một nước xuất khẩu sắt phế liệu hàng đầu, theo ông Seiichi Hayashi, giám đốc công ty nghiên cứu sắt phế liệu Steel Recycling Research (Nhật Bản).

Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc từ tháng 4 bắt đầu xuất sắt phế liệu qua Việt Nam, một trong những thị trường nhập sắt phế liệu lớn nhất của Nhật, khiến ngành này ở Nhật khó chịu.

Sắt phế liệu Trung Quốc tăng từ mức trung bình 24 tấn trong quý 1 năm 2017 lên 15.000 tấn vào tháng 4. Qua tháng 5 thì tăng vọt lên 80.000 tấn và đến tháng 9 là 510.000 tấn.

Trong khi đó, mức xuất khẩu trung bình hàng tháng của Nhật là 680.000 tấn, trong 10 tháng đầu năm 2017. Mối lo ngại tràn ngập sắt phế liệu Trung Quốc đã làm hạ giá bán sắt phế liệu ở Nhật.

Nhưng từ khi Bắc Kinh xem sắt phế liệu là một tài nguyên quan trọng, Trung Quốc đã áp mức thuế xuất khẩu 40% lên vật liệu này, làm mờ triển vọng Trung Quốc sẽ “đổ ngập” thị trường bằng sản phẩm rẻ tiền hơn trong tương lai gần. Ông Kazuyoshi Aizawa, một nhà buôn sắt phế liệu ở Kawasaki (Nhật) nói: “Chúng tôi không lo ngại sản phẩm Trung Quốc làm ngập thị trường Nhật và làm giá hạ”.

Hồi mùa xuân, công ty Tokyo Steel Manufacturing (Nhật) nhập sắt phế liệu Trung Quốc cho các nhà máy của họ ở Kyushu (nam Nhật), một thành phố gần Trung Quốc. Nhưng một quan chức tại một nhà máy sản xuất thép (sử dụng lò luyện điện tử) nói công ty này sẽ không tiếp tục nhập nữa, vì chi phí vận chuyển còn lớn hơn khoản lãi.

Bên cạnh đó còn có sự lo ngại về chất lượng sắt phế liệu Trung Quốc. Giám đốc một lò luyện thép Nhật nói: “Chúng tôi không tin tưởng 100% về chất lượng. Chúng tôi không tính mua sắt phế liệu Trung Quốc, cho dù giá của nó có rẻ thế nào chăng nữa”.

Theo Nikkei Asian Review, các thị trường khác ở châu Á có thái độ khác nhau với sắt phế liệu Trung Quốc. Khi mức xuất khẩu sản phẩm này lên đỉnh điểm hồi tháng 9, Trung Quốc đã xuất 68.000 tấn qua Việt Nam.

Hồi tháng 10, Nhật xuất 129.000 tấn sắt phế liệu qua Việt Nam. Những số liệu này gây báo động cho người Nhật, vì trước đó mỗi tháng Trung Quốc chỉ xuất qua Việt Nam chưa tới 10.000 tấn cho đến trước tháng 4, và chưa đến 20.000 tấn cho đến trước tháng 5.

Ông Aizawa, nhà buôn sắt phế liệu ở Kawasaki, nói: “Trung Quốc có thể xuất bằng đường bộ qua Việt Nam, nên họ có một lợi thế lớn so với người Nhật chúng tôi. Việt Nam đã giảm đặt hàng của chúng tôi. Rõ ràng hàng Trung Quốc đang phá thị trường châu Á”.

Ông Hayashi của công ty nghiên cứu sắt phế liệu Steel Recycling Research, nói: “Nếu sản phẩm xuất khẩu của Nhật bị giảm vì bị Trung Quốc cạnh tranh, giá sắt phế liệu trong nước sẽ giảm”.

Nguồn tin: Một thế giới



Tin tức khác